Để tránh cúm, rửa tay thường xuyên không đủ. Nghiên cứu mới cho thấy chúng ta tự "cấy" vi khuẩn, virus vào cơ thể bằng cách sờ tay vào miệng, mũi sau khi đã chạm vào các bề mặt bẩn.
Nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện sức khỏe quốc gia tại Bethesda, Maryland (Mỹ) cho biết, rất ít người nhận ra việc thường xuyên đưa tay chạm vào mặt có thể khiến họ bị ốm.
"Giữa những lần rửa tay có nhiều cơ hội để người ta tái làm bẩn bàn tay mình. Và khi đó, nếu có một loại virus gây bệnh hô hấp nguy hiểm ở xung quanh thì sẽ rất đáng ngại", trưởng nhóm nghiên cứu tiến sĩ Wladimir Alonso cho biết.
Ông chỉ ra ví dụ đại dịch cúm 2009, việc thiếu hiểu biết về cách tự làm lây bệnh dẫn đến sự lây lan nhanh chóng.
Alonso và các đồng nghiệp đã lựa chọn ngẫu nhiên 249 người ở nơi công cộng tại tàu điện ngầm ở Washington DC (Mỹ) và thành phố Florianopolis của Brazil. Các nhà nghiên cứu quan sát và ghi nhận mức độ thường xuyên chạm vào các bề mặt dùng chung và sờ lên miệng, mũi của những người tham gia. Họ thấy rằng những người này sờ lên mặt trung bình 2,6 lần mỗi giờ và chạm vào các bề mặt dùng chung 3,3 lần mỗi giờ.
Tỷ lệ này có nghĩa là người ta thường đưa vi khuẩn từ tay tới các bộ phận khác trên cơ thể thường xuyên hơn số lần rửa vi khuẩn khỏi tay.
Theo nghiên cứu, các khuyến cáo dành cho cộng đồng thường nhấn mạnh đến việc rửa tay, nhưng trong thời điểm nguy cơ cao bùng phát bệnh dịch nghiêm trọng, những thông điệp này cần phải được sửa đổi để mọi người hiểu cơ chế tự lây nhiễm mầm bệnh và tránh sờ lên mặt của họ.
Dù vậy, nhóm tác giả nghiên cứu cũng cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng về khả năng mắc bệnh. Hệ thống miễn dịch của mỗi người đã cung cấp một hàng rào bảo vệ trước bệnh tật. Vấn đề là, mỗi người cần nhận thức được khả năng tái nhiễm khuẩn có thể xảy ra rất nhanh sau khi rửa tay....
Trích suckhoedoisong.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét