Ta thường nghe nói 'toàn dân được chăm sóc y tế' như là một tiến bộ xã hội, là thành tựu của văn minh. Ít ai nghĩ đó là sự bất bình thường đáng buồn của nhân loại với tư cách là một loài sinh vật. Trong tự nhiên các loài sinh vật đều khỏe mạnh, không có loài sinh vật nào bệnh hoạn như loài người.
Ảnh 1
“Bệnh tật phát sinh khi người ta xa rời tự nhiên. Sự hiểm nghèo của căn bệnh tỷ lệ trực tiếp với mức độ chia cắt. Nếu người bệnh trở lại với môi trường lành mạnh, thường thì căn bệnh sẽ biến mất”, ông Fukuoka viết. Trong sự xa rời tự nhiên đó, có sự xa rời về ăn uống.
Con người dùng quá nhiều tri thức cho việc ăn uống, nhưng càng dùng tri thức bao nhiêu thì chúng ta càng ăn uống trái với tự nhiên bấy nhiêu. Các bậc làm cha mẹ được hướng dẫn bởi khoa học về dinh dưỡng, hậu quả là phần lớn các đứa trẻ coi việc ăn là một khổ ải. Để nhồi nhét thức ăn “bổ dưỡng” vào bụng, chúng phải được dỗ dành, được “mua chuộc”, bị đe dọa, trong khi việc ăn vốn là niềm khoái lạc của con người.
Ngày càng có nhiều người cảm thấy sự bất ổn của chế độ ăn uống theo khoa học, dẫn đến việc xuất hiện khuynh hướng ăn uống tiết chế theo những nguyên tắc tâm linh, chẳng hạn như việc vận dụng thuyết âm dương ngũ hành, ăn một cách tiết chế và có ý thức một số thực phẩm được cho là tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Ông Fukuoka cho rằng nếu đi quá sâu vào những học thuyết này, như cần phải làm thế trong việc nghiên cứu y học phương Đông, người ta sẽ bước vào địa hạt khoa học, tức là phụ thuộc vào tri thức trong ăn uống, “khi cố nắm lấy ý nghĩa của tự nhiên với một tầm nhìn xa rộng, anh ta lại thất bại trong việc để ý tới những thứ nhỏ bé xảy ra ngay dưới chân mình”.
Tóm lại, theo ông Fukuoka dù ăn theo khoa học hay triết học đều trái với tự nhiên. Phải thoát khỏi hai hệ thống đó. “Ngay cả khi một người quay về núi sống một cuộc sống sơ khai, anh ta vẫn có thể thất bại trong việc chạm tới mục tiêu thực sự của mình. Nếu ta cố gắng một điều gì đó, những nỗ lực của ta sẽ chẳng bao giờ giúp ta đạt được kết quả như mong muốn”, ông Fukuoka viết. Điều ông muốn nói là đừng ăn với cái đầu của mình, hãy ăn với bản năng của cơ thể.
Ảnh 2
Ông Fukuoka vẽ ra hai bản sơ đồ kèm theo (ảnh 1 và 2), gọi là “Mạn-đà-la thức ăn tự nhiên”. Sơ đồ thứ nhất là những thức ăn dễ dàng có được nhất “ngay dưới chân ta”, sơ đồ thứ hai là những thức ăn có vào những tháng nào trong năm. Từ hai bản sơ đồ này ông nói rằng nguồn thức ăn được cung cấp trên bề mặt trái đất này gần như vô hạn. Nhưng đó là những thứ thức ăn tự nhiên của nước Nhật. Nhiều thứ không có ở Việt Nam ta và nước Nhật cũng không có nhiều thứ Việt Nam ta có. Cho nên bạn có thể xem cho biết và quên nó đi hoặc không cần xem nó. Ông Fukuoka cũng lưu ý, bạn nên nhìn vào các bản sơ đồ này một lần và hãy ném nó đi, vì nó không cần thiết. Những nông dân và ngư dân Nhật Bản, cả với người Việt chúng ta nữa, ngày xưa chẳng cần quan tâm đến những lập luận về thức ăn, họ trồng trọt, chăn nuôi, dựng nhà cửa hài hòa với thiên nhiên, thuận với bốn mùa, họ ăn những gì mà thiên nhiên ban cho họ hoặc họ làm ra và họ đã có một chế độ ăn tự nhiên hoàn hảo. Họ tự biết lúc nào thì nên ăn những gì. Theo ông Fukuoka, người nông dân chỉ ăn những thực phẩm hoang dại có thể thu hái tại chỗ hoặc tự trồng một cách tự nhiên thì tốt cho sức khỏe hơn là những thứ phải mất công tìm kiếm. Đối với các loại cá, cá ở đồng ruộng hoặc sông suối nước ngọt thì tốt cho cơ thể hơn là cá nước mặn; với cá biển thì cá nước nông gần bờ tốt hơn là cá xa bờ… Nói chung, những gì gần ta và dễ tìm kiếm là tốt nhất. Sự tốt lành bao giờ cũng nằm ở tầm tay, ở dưới chân chúng ta.
Quá trình đô thị hóa đã khiến cho con người ngày càng rời xa với thức ăn tự nhiên. Thực phẩm tự nhiên cung ứng cho các đô thị, và ngay cả ở thôn quê, ngày càng vắng bóng. Đơn giản là từ lâu người nông dân đã không còn làm ra chúng để đem đi bán nữa. Hiện nay nếu có nơi nào làm được đem đi bán thì chưa chắc người ta đã tin, nhất là khi bán rẻ.
Những trải nghiệm của ông Fukuoka cho thấy, thực phẩm tự nhiên hoàn toàn có thể được sản xuất với chi phí và công sức tối thiểu, bởi vậy chúng phải được bán với giá rẻ nhất. Và chính ông đã bán các sản phẩm của mình với giá rẻ hơn bất cứ sản phẩm nào khác. Có lần ông giao sản phẩm cho một cửa hàng thực phẩm tự nhiên, khi phát hiện vị thương gia ở đó đã bán chúng ra với giá cắt cổ, ông đã tức giận và lập tức ngưng giao hàng cho cửa hàng đó. Ông bảo nếu thực phẩm tự nhiên có giá cao, nghĩa là người thương gia đang thu lợi nhuận quá đáng và chúng sẽ trở thành thức ăn xa xỉ của người giàu…(còn tiếp)
Theo Hoàng Hải Vân
Trích nguồn: thanhnien.com.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét